Bệnh cúm là gì?
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan rất nhanh qua đường hô hấp do virus cúm (Influenza virus) thuộc nhóm Orthomyxoviridae và được chia thành 3 tuýp A, B, C và D. Với triệu chứng lâm sàng dễ nhầm lẫn, bệnh có thể tiến triển nặng ở trẻ nhỏ, dẫn đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim,…
Một người mắc cúm có thể lây lan cho cả gia đình, trường học, công sở và cả cộng đồng, có thể bùng phát thành dịch, thậm chí là đại dịch. Lịch sử đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm cướp đi mạng sống của hàng triệu người trên thế giới. Một số đại dịch cúm đã được ghi nhận như:
- Đại dịch 1889 – 1890: virus cúm gây dịch ở hầu hết các nước trên thế giới. Không thống kê cụ thể được số người mắc bệnh và tử vong (1).
- Đại dịch 1918 – 1919: đại dịch khởi phát từ Tây Ban Nha và lây ra nhiều nước, khiến 500 triệu người mắc và 20 triệu người tử vong (2).
- Đại dịch 1957 – 1959 (cúm Châu Á): đại dịch lây lan từ Châu Á sang các lục địa khác khiến 40% nhân loại mắc bệnh. Tại Việt Nam, năm 1957 thống kê được gần 1 triệu người bệnh và năm 1959 gần 2 triệu người mắc cúm ở miền Bắc (3).
- Đại dịch 1968 – 1970 (cúm Hồng Kông): đại dịch từ Hồng Kông lan ra khắp các lục địa. Tại Việt Nam, trong vòng 3 – 4 tuần đầu năm 1970 cúm lan ra khắp các tỉnh miền Bắc với số bệnh nhân thống kê được là 1,6 triệu. Từ đó đến nay cứ khoảng vài năm thì cúm lại bùng phát lên thành dịch lớn (4).
Dấu hiệu, triệu chứng cúm ở trẻ sơ sinh
Cúm ở trẻ sơ sinh rất dễ nhầm lẫn với biểu hiện cảm lạnh thông thường, nhiều phụ huynh dễ bỏ sót hoặc nhầm lẫn dẫn đến chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị. Sau khoảng 2 ngày tiếp xúc với virus cúm, trẻ sơ sinh bắt đầu xuất hiện triệu chứng lâm sàng, các biểu hiện này thường nghiêm trọng và kéo dài hơn cảm lạnh, cụ thể:
Dấu hiệu thường gặp
- Sốt cao trên 39 độ C/ớn lạnh;
- Ho, ho khan;
- Sổ mũi, nghẹt mũi;
- Đau đầu, thường bị sợ ánh sáng và đau nhức sau mắt;
- Đau nhức cơ thể hoặc toàn thân (đặc biệt ở lưng và chân);
- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể;
- Ăn uống kém hơn bình thường, bé không muốn bú mẹ;
- Ngủ không ngon giấc, dễ quấy khóc;
- Nôn mửa, tiêu chảy;
Triệu chứng nguy hiểm
- Thở nhanh, thở dốc, khó thở;
- Sắc mặt và môi tái xanh, nhợt nhạt;
- Nôn mửa liên tục;
- Xuất hiện các cơn co rút ở sườn theo từng hơi thở;
- Xuất hiện các cơn đau ở ngực;
- Trẻ không tỉnh táo hoặc không phản ứng tương tác khi thức dậy;
- Xuất hiện cơn co giật động kinh;
- Có biểu hiện mất nước như trẻ không có nước tiểu trong 8 giờ, trẻ bị khô miệng, không chảy nước mắt khi khóc;
Mặc dù cúm mùa và cảm lạnh có một số triệu chứng tương tự nhau, nhưng đây là 2 bệnh riêng biệt. Các triệu chứng của cúm ở trẻ sơ sinh có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng, gây biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Do vậy, khi trẻ có dấu hiệu của cúm, ba mẹ cần chú ý theo dõi tình hình sức khỏe và diễn tiến các dấu hiệu bệnh, khi gặp phải các dấu hiệu cảnh báo nên đưa trẻ đi chăm sóc y tế ngay lập tức.
Thời gian ủ bệnh cúm ở trẻ sơ sinh
Thời gian ủ bệnh cúm ở trẻ sơ sinh rất ngắn, chỉ từ 1-4 ngày, thời gian trung bình khoảng 48 giờ sau khi nhiễm virus cúm. Đặc biệt, thời gian lây bệnh khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng.
Sau giai đoạn ủ bệnh, cúm khởi phát triệu chứng đau rát họng kèm sốt cao, quấy khóc, đau nhức toàn thân và ho, tiếp theo là chảy nước mũi, nghẹt mũi và có thể là hắt hơi. Sau khoảng 5 ngày, tình trạng bệnh sẽ dần phục hồi, các triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi chỉ ở mức độ nhẹ và khỏi hẳn.
Trẻ sơ sinh bị cúm có nguy hiểm không?
Cúm mùa là bệnh lành tính có thể tự phục hồi, mặc dù vậy trẻ sơ sinh với sức đề kháng chưa hoàn thiện nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, cúm vẫn có thể gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc.
“Người ta không chết vì bệnh Cúm nhưng chết vì những biến chứng của nó”. Cứ mỗi phút trôi qua, thế giới lại có 1 người không qua khỏi vì biến chứng của căn bệnh này. Trẻ nhiễm cúm có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm khó lường: viêm phế quản, viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng tai giữa, ảnh hưởng nghiêm trọng lên sức khỏe, tính mạng và hạnh phúc tương lai.
Biến chứng bệnh cúm ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh vốn có hệ miễn dịch non nớt, khi mắc bệnh, hệ thống miễn dịch càng bị suy giảm, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, cúm dễ dẫn đến các biến chứng, bao gồm:
- Viêm đường hô hấp như: viêm họng, thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản kịch phát, áp xe phổi,…
- Viêm nhiễm ngoài hô hấp như: viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim và đặc biệt có nguy cơ gây tử vong cao đối với trẻ mắc bệnh lý bẩm sinh.
- Trẻ bị nhiễm virus cúm A/H1N1 có nguy cơ gặp các biến chứng dẫn đến viêm đường hô hấp trên, còn nhiễm cúm A/H5N1 dễ biến chứng gây viêm phổi nặng.
- Biến chứng của cúm có thể tác động đến cơ quan thần kinh: viêm màng não, viêm tủy cắt ngang, liệt nửa người, liệt thần kinh sọ não,…
- Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm là hội chứng Reye (gây sưng tấy trong gan và não). Mặc dù hội chứng này ít gặp nhưng di chứng rất trầm trọng và tỷ lệ tử vong cao. Hội chứng Reye phổ biến nhất ở trẻ từ 2 đến 16 tuổi, xuất hiện vài ngày sau khi bị cúm. Khi các triệu chứng của cúm như đang bớt dần, trẻ đột nhiên buồn nôn và nôn mửa. Sau đó khoảng 1-2 ngày, trẻ chuyển mê sảng, co giật rồi đi dần vào hôn mê và có thể tử vong.
Trẻ sơ sinh bị cúm thì phải làm sao? Cách điều trị
Trẻ sơ sinh bị cúm thì phải làm sao? Trẻ nên uống thuốc gì để khỏi cúm? Cách điều trị cúm ở trẻ sơ sinh?… là thắc mắc rất thường gặp ở các phụ huynh. Khi mắc cúm, trẻ cần được đưa đến bác sĩ Nhi khoa để được thăm khám và có hướng dẫn điều trị đúng, hiệu quả.
Trong trường hợp bác sĩ chẩn đoán mắc cúm, trẻ sẽ được cho dùng một số thuốc kháng virus như oseltamivir (Tamiflu) hay zanamivir (Relenza) có tác dụng ngăn chặn virus lây lan rộng trong cơ thể. Mẹ cần nhớ rằng, tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc trị cúm hoặc kháng sinh nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài cách dùng thuốc để điều trị cúm ở trẻ sơ sinh, Bố Mẹ có thể áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà đơn giản, hiệu quả như:
- Cho bé nghỉ ngơi nhiều để nhanh lấy lại sức.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm nhằm hỗ trợ bôi trơn đường thở, từ đó giảm dịch nhờn do không khí quá khô để giúp trẻ dễ thở.
- Cho trẻ tắm nước ấm, nước ấm sẽ giúp hạ nhiệt độ cơ thể nếu con bị sốt khi mắc cúm.
- Cho trẻ bú mẹ thường xuyên bởi sữa mẹ sẽ cung cấp những kháng thể mà bé cần.
- Nhỏ nước muối thường xuyên để làm lỏng chất dịch nhầy, giúp trẻ cảm thấy dễ thở hơn.
- Cung cấp thêm vitamin D bằng cách phơi nắng đúng cách rất có ích trong việc tăng cường sức đề kháng, để giúp trẻ sơ sinh bị cúm nhanh khỏi bệnh.
- Giảm đau, hạ sốt cho trẻ bằng acetaminophen hoặc ibuprofen dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng aspirin cho trẻ vì có thể gây ra Hội chứng Reye ở trẻ.
- Cho trẻ mặc quần áo theo từng lớp để dễ dàng điều chỉnh khi trẻ nóng lạnh thất thường.
- Người chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch sẽ trước, trong và sau khi thay tã, vệ sinh cho trẻ.
- Hạn chế cho người nhà tiếp xúc để tránh lây nhiễm bệnh.
Phòng ngừa cúm cho trẻ sơ sinh
Theo các chuyên gia, chủ động phòng cúm từ sớm cho trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi có thể giúp tránh khỏi các rủi ro do cúm gây ra, tránh được những biến chứng nguy hiểm đồng thời bảo vệ trẻ trước Covid-19 với khả năng “miễn dịch chéo” có được tử vắc xin cúm. Phụ nữ mang thai cần tiêm ngừa cúm đầy đủ trước và trong thai kỳ để bảo vệ an toàn cho cả mẹ và bé, đồng thời duy trì được miễn dịch cho con ngay sau khi sinh, khi trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng vắc xin. Ngoài ra những người trong gia đình cần duy trì tiêm vắc xin cúm và nhắc lại hằng năm để tạo “tổ kén” bảo vệ chính bản thân mình và trẻ nhỏ.… Dưới đây là cách phòng cúm hiệu quả cho trẻ sơ sinh được các chuyên gia y tế khuyến cáo:
- Tất cả phụ nữ mang thai đều cần tiêm chủng cúm đầy đủ để bảo vệ trẻ toàn diện khỏi bệnh cúm trong những tháng đầu đời. Nếu mẹ đã tiêm ngừa, kháng thể phòng cúm sẽ được truyền đến bé qua nhau thai và sữa mẹ, bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời. Ngoài ra, người trông trẻ hoặc chăm sóc cho trẻ dưới 5 tuổi cũng cần được tiêm chủng ngừa.
- Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên cần chủng ngừa đầy đủ 2 mũi vắc xin cúm để tạo “lá chắn” phòng bệnh hữu hiệu. Hiện nay, cả 4 chủng cúm phổ biến nhất hiện nay là 2 chủng cúm A/H3N2, A/H1N1 và 2 chủng cúm B/Yamagata, B/Victoria hiện đã có vắc xin phòng ngừa.
- Giữ khoảng cách với người bệnh. Cần lưu ý phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám và chữa bệnh. Người nhà, trẻ nhỏ cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
- Che miệng và mũi khi ho, tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
- Vệ sinh và thông khí nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.
- Tự theo dõi sức khỏe hằng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… cần thông báo cho trường học, cơ quan… nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương.
- Trẻ nhỏ, phụ nữ đang mang thai cần tránh tiếp xúc người nghi ngờ mắc bệnh.
- Tự cách ly, đeo khẩu trang, không tiếp xúc với trẻ nhỏ nếu người nhà/người chăm sóc được xác định mắc cúm.
Một số câu hỏi thường gặp khi xét nghiệm cúm
1. Bệnh cúm ở trẻ sơ sinh kéo dài bao lâu?
Trẻ sơ sinh bị cúm kéo dài trong bao lâu? Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), hầu hết trẻ bị cúm không biến chứng sẽ kéo dài và hồi phục từ 2-7 ngày. Tuy nhiên, tình trạng ho và cảm giác mệt mỏi có thể tồn tại dai dẳng đến 14 ngày hoặc lâu hơn.
Nhìn chung, việc mắc các chủng cúm khác nhau thường không ảnh hưởng đến thời gian khỏi bệnh, nhưng nếu trẻ sơ sinh mắc các loại cúm A (chẳng hạn như A/H3N2) thì có thể gặp bệnh cảnh nặng hơn. Cũng theo CDC, virus cúm A (A/H3N2) có liên quan đến tỷ lệ nhập viện, điều trị y tế và tử vong ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi cao hơn so với các chủng cúm khác ở người như cúm A (A/H1N1) và cúm B.
2. Có nên tiêm phòng cúm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không?
CÓ! Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, tất cả trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi trở lên cần đi tiêm phòng cúm đầy đủ, đúng lịch nhắc lại hàng năm. Vắc xin rất quan trọng và cần thiết với trẻ, vì đây là nhóm đối tượng rất dễ bị tổn thương do cúm. Thống kê cho thấy, hằng năm có rất nhiều trẻ dưới 5 tuổi phải nhập viện vì biến chứng của cúm.
Ở Việt Nam, kết quả điều tra dịch tễ cho thấy dịch cúm thường xuất hiện quanh năm, nên vắc xin cúm có thể tiêm vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Cần lưu ý, vắc xin cúm được tiêm nhắc lại hàng năm bởi vì:
- Các chủng virus cúm luôn biến đổi (thay đổi tính kháng nguyên) qua từng năm. Vì vậy,, kháng thể được tạo ra do vắc xin có thể hiệu quả trong năm nay nhưng có thể không còn tác dụng đối với chủng virus cúm trong năm sau.
- Theo thời gian, các kháng thể do vắc xin cúm tạo ra suy yếu dần.
- Thành phần vắc xin cúm luôn được cập nhật và thay đổi hàng năm để phù hợp với các chủng cúm đang lưu hành. Việc khuyến cáo trẻ nên tiêm phòng cúm hàng năm để kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại sự tấn công của 04 chủng virus cúm lưu hành trong năm đó.
Trong khi chờ vắc xin Covid-19 đạt miễn dịch cộng đồng, theo các nghiên cứu y khoa, vắc xin cúm có thể hỗ trợ cải thiện kết quả điều trị người bệnh mắc Covid-19 và đem đến lợi ích tiềm tàng là dự phòng Covid-19. Hiện Hệ thống Trung tâm tiêm chủng - Bệnh viện Sản Nhi đang có các loại vắc xin phòng cúm, liên hệ Hotline: 0210 220 8888 (Giờ hành chính)/ 0210 655 9999, Fanpage: https://www.facebook.com/tiemchungsannhiphutho hoặc đến trực tiếp Trung tâm tiêm chủng - Tầng 1, bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ để tư vấn, đặt lịch tiêm chủng, đăng ký vắc xin cúm và các loại vắc xin quan trọng khác.
Trẻ sơ sinh bị cúm có nguy cơ rất cao bị biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm và can thiệp thời, nếu trẻ đồng mắc Covid-19 và cúm, tỷ lệ này sẽ càng tăng cao. Vì vậy, phụ nữ trước mang thai, phụ nữ mang thai và trẻ từ 6 tháng tuổi cần sớm tiêm vắc xin để “đánh gục” virus cúm, đảm bảo trẻ có cuộc sống an lành, hạnh phúc và thành công!